Thực sự phụ nữ muốn được đi theo và đàn ông thì nên dẫn dắt sao?
Chúng ta đã biết rằng dẫn dắt khác với lôi kéo. Không ai thích bị lôi kéo cả. Còn khi bị dẫn dắt, chúng ta có thể có hoặc không nhận thức được sự dẫn dắt đó. Đi theo không có gì là không tốt cả, nó khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Sinh ra và lớn lên như một người con gái vốn dĩ đã không dễ dàng. Họ phải mất máu khoảng 4 ngày mỗi tháng, họ có thể phải mang một quả tạ đến 10kg trước bụng trong gần năm trời và phải chịu một cơn đau khủng khiếp để đưa quả tạ đó ra ngoài. Do vậy, ngoài lĩnh vực đặc thù trên, phụ nữ luôn muốn được dễ dàng hơn trong các lĩnh vực khác, cách tốt nhất là đi theo sự dẫn dắt của đàn ông.
Lợi ích lớn nhất của việc đi theo sự dẫn dắt của người khác là không phải dùng não nhiều và không phải đắn đo trước quá nhiều sự lựa chọn.
Áp lực duy nhất của việc đi theo là chọn người tin cậy. Có lẽ do nhu cầu sử dụng thường xuyên mà trực giác của phụ nữ thường nhạy hơn của đàn ông. Phụ nữ thường tìm kiếm những người đàn ông mạnh mẽ hơn họ, bất kể đó là một cô gái bánh bèo hay một cô gái bánh mì. Dù vỏ bánh mì có giòn cứng thì ruột của nó vẫn luôn mềm. Sự mạnh mẽ của người đàn ông thể hiện ở nhiều yếu tố, tựu chung lại chỉ đơn giản là:
Anh ta có dẫn dắt được cô ấy không?
Alpha male và beta male khác nhau chỉ đúng ở một điểm là khả năng dẫn dắt. Nhưng cũng đừng vì khao khát trở thành alpha male mà tham vọng lúc nào cũng phải là kẻ dẫn dắt. Thực tế, không ai có thể dẫn dắt người khác trên mọi lĩnh vực. Bạn là người dẫn dắt trong lĩnh vực này nhưng phải chấp nhận là người đi theo trong lĩnh vực khác. Thậm chí nhiều người có khả năng dẫn dắt nhưng lại cố tình đi theo.
Các sếp thuê thêm trợ lý để lọc thông tin giúp mình, thậm chí ra quyết định thay mình trong một số trường hợp. Rõ ràng theo khái niệm thì mấy người trợ lý đang là người dẫn dắt và định hướng thông tin. Còn mấy sếp để đổi lấy tự do đã chấp nhận trao quyền. Tự lái xe sẽ an tâm hơn, nhưng ngồi trên xe người khác không hẳn lúc nào cũng tệ.
Cuộc sống xã hội là tổ hợp các mối quan hệ. Trong một mối quan hệ hai người, luôn có một người trên cơ người kia. Giả sử cuộc sống chỉ có 10 lĩnh vực có trọng số như nhau, tôi dẫn dắt bạn ở 5 lĩnh vực và bạn dẫn dắt tôi ở 5 lĩnh vực còn lại, tôi và bạn có mối quan hệ công bằng lý tưởng. Thực tế không chính xác như vậy, trong từng thời điểm, nếu tôi sợ mất bạn hơn, tôi cửa dưới, nếu bạn cần tôi hơn, tôi cửa trên. Vậy nên trong mối quan hệ giữa sếp – trợ lý, cũng chưa biết được ai cửa dưới, ai cửa trên.
Để duy trì mối quan hệ, hãy chọn dẫn dắt hoặc đi theo. Rõ ràng dứt khoát cái này em theo anh, cái kia anh theo em. Đừng nhập nhằng ở giữa, vì khi đó, bạn sẽ chỉ huỷ hoại mối quan hệ. Nếu đã xin lời khuyên, hãy từ bỏ định kiến, đổ cốc nước cũ đi để tiếp thu được nhiều nhất. Nếu đã dẫn đường, hãy kiên định với con đường đó, đừng quay ra hỏi ý kiến người đi theo để rồi lung lay.
Pingback: Dù Dẫn Dắt Hay Đi Theo, Hãy Luôn Chủ Động – Gy
Pingback: Dù Dẫn Dắt Hay Đi Theo, Hãy Luôn Chủ Động - Gy