‘Đẹp là một nỗi đau’ là một cuốn tiểu thuyết đã khiến tôi đi từ cú sốc này đến cú sốc khác, không chỉ bởi sự trần trụi sắc dục trong đó, mà còn vì nó lột trần cái cách thế giới này vận hành.
Nếu Jared Diamond diễn giải lịch sử bằng súng, vi trùng và thép thì Eka Kurniawan diễn giải lịch sử bằng máu, tinh trùng và phân.
Lịch sử không chỉ được tạo nên bởi những người đàn ông
Thế giới bề ngoài được quyết định bởi những người đàn ông, nhưng những người đàn ông lại bị vận hành bởi đam mê bất tận với sắc đẹp của đàn bà
(Hiền Trang – Tia Sáng)
Tôi biết đến tiểu thuyết ‘Đẹp là một nỗi đau’ lần đầu sau một bài viết tôi tình cờ đọc được từ tạp chí Tia sáng. Động lực để tôi tìm đọc cuốn tiểu thuyết này ban đầu chỉ vì hai nguyên nhân:
- Một là, tôi muốn biết thêm về lịch sử Indonesia, một đất nước rộng lớn và phi thường khi là tập hợp của hàng trăm hòn đảo.
- Hai là, tôi thấy cuốn này được so sánh với Trăm năm cô đơn – một tác phẩm từng đoạt giải Nobel.
Còn sau khi đọc xong 440 trang sách, tôi ngồi viết những dòng này để tâm sự với các bạn về một thế giới đặc quánh sắc dục và hận thù ở thành phố tưởng tượng Halimunda và những chiêm nghiệm của tôi về đời sống tình cảm.
Tôi rất tâm đắc với lời đề tựa khi tác giả Eka Kurniawan mượn lời của Cervantes trong Don Quijote (Đôn-ki-hô-tê) rằng:
“[…] một trang hiệp sĩ giang hồ không có người yêu ví như cây không lá không quả, như xác không hồn”.
(Cervantes – Don Quijote)
Lời đề tựa này báo hiệu cho tôi về một câu chuyện dài của những anh hùng và những mỹ nhân. Thực tế tiểu thuyết có rất nhiều mỹ nhân nhưng lại không có quá nhiều anh hùng, nếu có thì tác giả cũng tập trung khai thác mảng tối của “vị anh hùng” đó. Anh hùng cũng là con người mà.
Con người có hai phần: phần con và phần người. Đa số các câu chuyện dã sử luôn đề cao phần người – phần của đạo đức, lý tưởng vĩ đại, cao sang. Lần đầu tiên tôi đọc được một câu chuyện dã sử mà tác giả tập trung vào phần con – phần của bản năng, sân si, nhục dục và tầm thường.
Một thế kỉ – Năm thế hệ – Bao biến động – Một điểm chung
Truyện kể về 5 thế hệ nhà Dewi Ayu sống ở Halimunda trong gần một trăm năm, song hành với lịch sử Indonesia từ thời thuộc địa Hà Lan, đến thời phát xít Nhật, đến thời phe Đồng Minh, đến thời Cộng hoà, đến thời đảng Cộng sản cực thịnh, đến thời bài Cộng sản. Trong suốt thời gian đó, những người đàn ông quyền lực thay đổi, họ có thể có những ý thức hệ khác nhau nhưng họ đều có điểm chung, đó là họ đều mê mẩn sắc đẹp của các cô gái nhà Dewi Ayu.
Tôi đã giật mình và lo lắng không chắc rằng mình đang đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử khi đọc câu đầu tiên: “Một buổi chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu bước ra khỏi ngôi mộ của bà sau khi đã chết hai mươi mốt năm.” Nhưng rồi đọc riết thì tôi cũng nhận ra những yếu tố huyền ảo, kì bí trong truyện chỉ đang thôi căng phồng lịch sử để khiến sự thật được lột trần rõ ràng hơn.
Dewi Ayu là cô gái điếm nổi tiếng nhất ở Halimunda, một người được tất cả đàn ông mê mệt và bị mọi phụ nữ, đặc biệt những bà vợ ghen tức. Bà làm gái điếm từ lúc 18 tuổi đến khi 52 tuổi, ngủ với 172 gã đàn ông, người già nhất đã 90, đứa trẻ nhất mới 12. Bà sinh được 3 cô con gái đẹp tuyệt trần mà bà gọi đó là những đứa con của ma quỷ, nên trước khi đứa con thứ 4 ra đời, bà đã ước nó xấu thậm tệ, và rồi ước muốn của bà thành hiện thực.
Câu chuyện có cấu trúc như củ hành tây, từng lớp lịch sử của các nhân vật được lật mở sau mỗi chương. Năm thế hệ nhà Dewi Ayu bắt nguồn từ đời bà của bà kéo dài tới đến đời cháu của bà. Họ đều đẹp nghiêng nước nghiêng thành và đều gặp những bi kịch được khởi nguồn từ chính sắc đẹp đó.
Quyền lực của phái đẹp
Trước khi nói về bi kịch, tôi muốn nói về quyền lực của sắc đẹp, của phái đẹp. “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp” – một hãng mỹ phẩm đã phát ngôn như vậy. Thực tế thì trong phái đẹp, vẫn có những cô gái đẹp hơn các cô gái khác. Là một người đàn ông, tôi cảm nhận rõ những ham mê sắc đẹp của bản thân. Ham muốn đó dường như chính là điểm yếu của đàn ông.
Tôi có tham gia những hội nhóm triết học và tư duy nơi những người đàn ông nói chuyện rất lý trí, logic khi bàn luận về những thứ cao cả, to lớn. Cho đến khi, một cô gái bước vào diễn đàn, rất nhiều câu nói và hành động của họ tự dưng thay đổi mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra ?.
Những người đàn ông lý trí sẽ không bao giờ thừa nhận rằng mục đích sống của mình là làm chủ được cảm xúc trước sức quyến rũ của phái đẹp. Họ muốn vẽ cho mình một mục đích sống của mình cao cả hơn thế, ví dụ như cứu thế giới. Và thế là họ đánh nhau, tạo ra chiến tranh, ganh đua, tạo ra của cải, kiếm tiền, tạo ra văn minh. Suy cho cùng, những hành động đó đều để khiến dương vật của họ gặp được âm đạo và để khiến cuộc đời của họ có được tình yêu.
Trong ‘Đẹp là một nỗi đau’, nhà văn Eka Kurniawan thậm chí còn liên tục “dìm” những người đàn ông xuống, như để nói với họ rằng “Anh không mạnh mẽ và lý trí như anh nghĩ đâu nếu trước mặt anh là một cô gái đẹp”.
Một cô gái đẹp thực sự có thể điều khiển được một và rất nhiều người đàn ông. Cô ấy có thể khiến một người đàn ông yếu đuối trở nên mạnh mẽ và có thể biến một người đàn ông không sợ trời không sợ đất nhưng lại sợ mình.
Cha của Rosinah – người hầu sau này của Dewi Ayu, là một ông già bị thấp khớp nặng, ông ấy nói với Dewi Ayu rằng “Tôi muốn chết trong vòng tay em”. Ông ấy gán con gái thay tiền để được ngủ với bà lần cuối. “Người đàn ông lao vào bà dữ dội […] quên luôn chứng thấp khớp của ông. Sự vồ vập của ông mau chóng đạt tới đỉnh khi ông phát ra tiếng rên ngắn và toàn thân co giật; thoạt đầu Dewi nghĩ đó là cơn co giật bình thường của một người đàn ông khi xuất tinh, nhưng hoá ra còn hơn thế – ông già cũng xuất luôn cả linh hồn mình”.
Thật bàng hoàng khi nghĩ tới sự mong manh của một đời trai. Khi chúng ta xuất ra những con giống, chúng ta tạo ra một cơ hội nảy mầm sự sống, và cái giá phải trả là chúng ta sẽ hy sinh một phần sinh khí của bản thân.
Ngược lại với cha của Rosinah, Shodancho là anh hùng dân tộc. Ông ấy đã chiến đấu với Nhật, chiến đấu với quân Đồng Minh, ông được người dân Halimunda tung hô, được tổng thống Indonesia bổ nhiệm vị trí cao nhất trong quân đội Cộng hoà nhưng ông từ chối. Ông đã rời xa thành phố hàng chục năm từ thời chiến cho tới thời bình, để sống một cuộc đời thanh tịnh với thú vui thuần hoá chó hoang, câu cá và ngồi thiền. Ông đã không tìm thấy lẽ sống ở thời bình, cho đến khi tình cờ chạm mắt với Alamanda – con gái của Dewi Ayu: “Cuộc trao đổi điền rồ đó còn đáng sợ hơn bất cứ cuộc chiến nào ông từng tham gia.” Và rồi thì ông thực sự đã tả tơi trong “cuộc chiến” giành lấy tình yêu của Alamanda. Ông thậm chí đã khóc than trước người vừa là bạn thân, vừa là kẻ thù lớn nhất của mình, Maman Gendeng: “Cuộc đời tôi là hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác […] Tôi muốn sống giống những người khác. Tôi muốn yêu và được yêu.”
Càng ở vị trí cao, người ta càng cô đơn và càng sợ hãi khi thú nhận những thất bại của mình Từ xưa tới nay, chuyện tình trường của các vĩ nhân, người nổi tiếng luôn là đề tài thu hút sự quan tâm nhiều nhất của công chúng. Do vậy, càng lên cao, người ta càng sợ hãi hơn khi nói về những thất bại trong tình yêu và tình dục của bản thân.
Trong truyện còn nhiều đàn ông khác với đủ kiểu người. Có những người tầm thường, có người xuất chúng. Tuy nhiên, họ đều thường được tác giả miêu tả với những ẩn ức tình dục và họ đều kết thúc cuộc đời mình bằng những cái chết đau thương. Đọc những phân đoạn cưỡng hiếp hay làm tình của họ, đặc biệt nếu cô gái là Dewi Ayu, tôi thường cảm thấy những người đàn ông thật tội nghiệp. Bởi vì Dewi Ayu rất hiểu ham muốn và điểm yếu của những người đàn ông, cô cũng rất hiểu âm đạo của mình có quyền lực như thế nào.
Tay sĩ quan Nhật đã phải trả rất nhiều tiền để trở thành khách hàng đầu tiên của Dewi Ayu ở nhà thổ má mì Kalong nhưng phải đối mặt với thái độ lạnh nhạt như xác chết của cô, cuối cùng chỉ kéo dài được 2p23s. Maman Gendeng – tay giang hồ có sức mạnh vô địch, không súng đạn nào xuyên thủng sau khi tuyên bố mạnh miệng rằng sẽ không ai được ngủ với Dewi Ayu trừ hắn ta, đến khi ngồi nói chuyện với cô về điều đó thì vẫn phải rụt lại đôi phần. Đoạn hội thoại giữa hai người này thực sự rất ấn tượng, thể hiện quyền lực mềm của Dewi Ayu.
Quyền lực mềm đó được truyền xuống con gái lớn của cô, Alamanda, thậm chí còn đáng sợ hơn, đến mức chính Dewi Ayu phải cảnh báo:
“Con không biết đàn ông đã làm gì với phụ nữ trong thời chiến sao?”
Alamanda đáp lại:
“Và giờ mẹ sẽ thấy những gì phụ nữ có thể làm với đàn ông trong thời bình.”
Bi kịch của sắc đẹp
Cái đẹp mang tới quyền lực và cũng đi kèm với nỗi đau và bi kịch. Cả 3 cô con gái xinh đẹp của Dewi Ayu cuối cùng đều mất chồng và mất con theo các cách khác nhau. Theo giải thích trong truyện thì đó là do sự trả thù của hồn ma Ma Gedik – mối tình đầu của bà ngoại Dewi Ayu, do bà bị ông của Dewi Ayu, một người Hà Lan cướp mất.
Khi đã đọc đến cuối của truyện thì những yếu tố huyền ảo không còn quá ảnh hưởng đến tôi nữa. Bởi vì tôi thấu cảm được những hành động điên rồ, phi lý trí của những người đàn ông trong truyện khi họ giành giật tình yêu và tình dục từ những cô gái đẹp, kể cả những hành động bệnh hoạn của Ma Gedik khi còn sống và những hành động đáng sợ của Klisan – cháu ngoại của Dewi Ayu sau này.
Chẳng phải người ta vẫn nói: Fall in Love – Rơi vào Tình Yêu sao? Mà đã rơi thì làm gì tự chủ được. Các cô gái đó được tận hưởng cảm giác quyền lực của mình lúc ban đầu nhưng rồi cuối cùng họ sẽ phải nếm trải những nỗi đau mất mát.
Dewi Ayu đã không để 3 người con xinh đẹp của mình tiếp tục làm điếm giống mình nên đã giúp cho họ có những người chồng xuất chúng. Tuy nhiên, cuộc đời của họ vẫn không tránh được những nghiệt ngã, kể từ khi họ biết kéo khoá quần của đàn ông. Khi bà phát hiện ra cội nguồn gốc rễ của những bi kịch bắt nguồn từ cái đẹp, bà đã ước nó xấu thậm tệ, và rồi thì cô bé sinh ra xấu thật. Nhưng cô lại được đặt tên là Đẹp. Đến cuối cùng, cô cũng không thể tránh khỏi những niềm đau của tình yêu.
Cái đẹp của tình yêu
Tiểu thuyết không chỉ nói về cái đẹp ở nhan sắc, mà bao trùm lên tất cả là cái đẹp của tình yêu. Tình yêu vẫn luôn khó giải thích. Nó dường như rất mơ hồ. Chỉ có nỗi đau là chân thật. Có những người sợ yêu, họ chạy trốn khỏi tình yêu. Và cũng có những người nghiện đau, đau hết lần này đến lần khác họ vẫn không chừa.
Tình yêu vẫn luôn khiến cảm xúc những người đàn ông xao động mạnh, thậm chí còn hơn cả những người phụ nữ. Chẳng thế mà những người đàn ông đã tạo ra biết bao nhiêu thơ ca văn chương nhạc hoạ chỉ để bày tỏ cảm xúc vui sướng, buồn khổ khi yêu đó sao?
Vậy người đàn ông đích thực không nhất thiết phải sợ hãi tình yêu cho dù nó gây đau đớn. Anh ta cũng không cần phải tìm cách lảng tránh hay vượt lên trên tình yêu bằng những mối bận tâm nghe có vẻ cao cả hơn. Hãy cứ ôm ấp tình yêu cùng tất cả cảm xúc hỉ nộ ái ố mà nó mang lại.
Sự mạnh mẽ không nhất thiết phải đến từ sự vô cảm, lạnh lùng. Sự mạnh mẽ đến từ việc chấp nhận những điểm yếu của bản thân. Người đàn ông đích thực là người quản trị được cảm xúc của chính mình.